Nguyên liệu, phụ liệu ngành may mặc là gì?
Các loại nguyên phụ liệu trong ngành may là tổng hợp của tất cả các thành phần để cấu tạo nên một sản phẩm may mặc (áo, quần, khăn, mũ,…) hoàn chỉnh.
Các loại nguyên phụ liệu này đã được nghiên cứu và phát triển lâu đời bởi vai trò thiết yếu của nó. Không chỉ là yếu tố nền tảng cốt lõi để tạo thành nên một sản phẩm, những thành phần này còn góp phần tạo nên vẻ đẹp và tính thẩm mỹ. Tất cả cùng kết hợp tạo nên chất lượng và độ bền của sản phẩm được may.
Do đó, lựa chọn nguyên vật liệu may mặc phù hợp là một bước quan trọng trong quá trình sản xuất hàng may mặc. Để tìm hiểu rõ hơn về các loại nguyên phụ liệu ngành may, hãy cùng Khang Thịnh tìm hiểu lần lượt qua nguyên liệu và phụ liệu ở nội dung tiếp theo.
Nguyên liệu chính trong ngành may mặc
Nguyên liệu ngành may phổ biến và quan trọng nhất để tạo nên sản phẩm là vải. Cùng với quá trình phát triển lâu dài, nguyên liệu này ngày càng được nghiên cứu tốt hơn. Việc sản xuất vải cũng được đa dạng chất liệu, màu sắc,… nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành. Hiện nay, có nhiều loại vải khác nhau, mỗi loại sẽ có đặc điểm và tính ứng dụng riêng, tạo nên sự đa dạng cho ngành thời trang.
Sau đây là tổng hợp các loại vải được sử dụng phổ biến nhất:
Vải cotton là nguyên liệu phổ biến nhất
Cotton là loại vải được sử dụng thông dụng nhất trong ngành may mặc. Đây là loại vải được dệt chủ yếu từ sợi bông tự nhiên, kết hợp cùng một lượng nhỏ các chất liệu hóa học. Vải cotton có đặc tính nhẹ, thấm hút tốt và thoáng mát cho người mặc. Ngoài ra, nó còn có độ bền và co dãn cao, khả năng chống bám bẩn tốt.
Có các loại vải cotton sau:
- Cotton thun: Vải có độ bền cao và thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết bởi tính thấm hút mồ hôi tốt, thoáng mát cho người mặc.
- Cotton lạnh: Đây là loại vải có thành phần tổng hợp từ polyeste hay nilon. Nó mang lại cảm giác mát lạnh vì bề mặt vải trơn láng và mịn như lụa, không bị nhăn. Vải cotton lạnh có độ bền khá cao nên ít nhăn và dão khi giặt nhiều lần. Tuy nhiên, khi mặc sẽ dễ nóng vì độ thấm hút mồ hôi kém.
- Cotton lụa: Sự kết hợp hoàn hảo giữa chất liệu cotton thiên nhiên với lụa tơ tằm cao cấp. Từ đó tạo ra loại vải chất lượng, mềm mại nhưng giá cả thấp hơn so với vải lụa thuần túy.
Với các đặc tính trên, vải cotton là một trong những nguyên phụ liệu ngành may được ứng dụng nhiều. Đặc biệt là các sản phẩm dành cho người vận động nhiều, cần sự thoải mái.
Vải kaki làm nguyên liệu cho sản phẩm có form cứng
Vải kaki bản chất là nguyên liệu được tạo nên từ sợi cotton đan chéo, hay được pha trộn sợi cotton với các chất liệu sợi tổng hợp. Đặc điểm của vải kaki là dày hơn so với vải cotton, bề mặt thô cứng hơn nhưng lại dễ giặt và rất ít nhăn. Vải kaki cũng được ưa chuộng làm nguyên liệu cho nhiều sản phẩm may mặc vì ít bám bụi và cứng form.
Vải kaki được phân thành các loại:
- Vải kaki thun: Vải kaki pha thêm sợi spandex để tăng tính co dãn và thoải mái hơn cho người mặc. Vải kaki thun được dùng làm chất liệu may chân váy, đầm hay áo vest,…
- Vải kaki không thun: Loại vải này có độ cứng cao hơn, ít nhăn nên được sử dụng để may quần nam tạo form đứng.
Ngoài ứng dụng làm nguyên liệu để may quần, áo sơ mi, vải kaki cũng là loại nguyên phụ liệu ngành may đáp ứng được các tiêu chí trên sản phẩm đồ bảo hộ lao động và đồng phục.
Vải Jean là nguyên liệu bền, chắc để may mặc
Vải jean còn có tên gọi quen thuộc khác là vải da bò, có màu xanh đặc trưng. Nó được sản xuất từ sợi vải cotton Duck đan dọc và ngang xen kẽ với nhau.
Đây là loại nguyên vật liệu may mặc có tính bền, chắc, không bị rút hay co dãn dù mặc và giặt nhiều lần. Điều này tạo nên tính tiện dụng cho các sản phẩm may bằng chất liệu jean, thích hợp cho trang phục phong cách trẻ trung, khỏe khoắn.
Vải Kate là nguyên liệu may mặc chống nhăn tốt
Kate là loại vải được tạo thành từ sợi tổng hợp cotton với polyeste. Do đó, vải kate vừa có độ mềm mại, thoáng mát của cotton, vừa có khả năng chống nhăn, ít phai màu của polyeste.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vải kate khác nhau như vải kate silk, vải kate mỹ, vải kate polin, vải kate ford, vải kate sọc, vải kate Hàn Quốc,… với độ dày, độ mịn và màu sắc khác nhau.
Với khả năng chống nhăn tốt và độ bền cao, mỏng nhẹ, vải kate được ứng dụng làm nguyên liệu may đồng phục học sinh, đồ công sở hay chăn ga gối nệm.
Vải nỉ (flet) là nguyên liệu tạo ra sản phẩm giữ ấm tốt
Vải nỉ hay còn được gọi là vải flet, là sự kết hợp hoàn hảo giữa vải sợi thông thường và sợi len. Điểm nhận biết nổi bật của vải nỉ là bề mặt mềm mịn với một lớp bông mỏng phủ bên ngoài, dễ dàng cảm nhận khi sờ vào.
Ưu điểm của vải nỉ là độ bền cao, đa dạng về màu sắc và khó bạc màu, giữ ấm tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu mặc vào mùa nóng sẽ không phù hợp. Hiện nay, có hai loại vải nỉ thông dụng là vải nỉ thông thường và vải nỉ Hàn Quốc.
- Vải nỉ thông thường: mỏng, có lớp lông nhẹ, khả năng co dãn ở mức tương đối.
- Vải nỉ Hàn Quốc: mềm mại và co dãn tốt hơn vải nỉ thường, được sử dụng để làm đồ handmade.
Vải nỉ nói chung được ứng dụng để may quần áo mùa đông, là một trong các loại vải giữ ấm tốt cho cơ thể và tạo cảm giác mềm mịn, thoải mái.
Ngoài năm loại vải vừa liệt kê phía trên, còn có nhiều nguyên liệu ngành may khác đáp ứng cho ngành may. Có thể kế đến như vải len, vải thô (canvas), vải voan (chiffon), vải lanh (linen), vải đũi (tussar hoặc tussah), vải lụa (silk). Hay vải ren (lace), vải ni lông (nylon), vải tuyết mưa, vải PE (polyester), vải visco (viscose hoặc rayon),…